Tia cực tím khiến da bị phỏng, khô, nhanh lão hóa, ung thư...; bụi siêu mịn xâm nhập sâu vào trong tế bào, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bầu khí quyển trái đất ngăn chặn phần lớn lượng bức xạ cực tím (tia UV) trong ánh sáng mặt trời và chỉ một phần nhỏ bức xạ cực tím có thể tiếp xúc với làn da. Tuy không nhiều, nhưng tác động của chúng vẫn rất đáng kể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những vùng da phơi nắng quá nhiều mà không được bảo vệ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Cụ thể, da sẽ bị phỏng, khô, sạm, collagen và mô liên kết dưới da bị huỷ hoại, làm mất độ đàn hồi, đẩy nhanh tốc độ lão hoá mà nguy hiểm nhất là gây ung thư da. Trang Sciencelearn (New Zealand) cho biết nhiều nghiên cứu khẳng định 90% nguyên nhân gây ung thư da là do bức xạ cực tím.
Tia UV là tác nhân gây hại trực tiếp đến làn da. |
Bên cạnh bức xạ cực tím, trời nắng nóng gay gắt cũng làm cho bụi bẩn phát tán nặng nề hơn. Để đo chất lượng không khí, các nhà khoa học sử dụng chỉ số AQI, áp dụng đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản của không khí (bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3).
Các hạt bụi siêu mịn ((PM5, PM2.5) có kích thước rất nhỏ, không thể quan sát bằng mắt thường và có khả năng xâm nhập sâu vào trong tế bào cơ thể. Tác động của bụi siêu mịn lên làn da không chỉ dừng ở góc độ thẩm mỹ mà còn đe dọa sức khoẻ của da, vì chúng dễ dàng len lỏi vào và làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Từ đó, da trở nên nhạy cảm hơn với sự xâm nhập của vi khuẩn, các chức năng da cũng bị suy giảm, quá trình lão hoá diễn ra nhanh hơn. Làn da cũng thường xuyên gặp phải tình trạng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, nổi mụn, mất độ ẩm, xuất hiện nhiều vết nâu đen.
Bụi siêu mịn được xem như những "sát thủ vô hình" đe dọa sức khỏe làn da. |
Để bảo vệ da, nên hạn chế ra đường vào những giờ cao điểm nếu không cần thiết. Trong khoảng 10-16h có khá nhiều phương tiện tham gia giao thông làm tăng lượng khí thải ô nhiễm và cũng là lúc bức xạ cực tím mạnh nhất. Nếu phải tham gia giao thông, chú ý kiểm tra chỉ số bức xạ cực tím (UV Index) trước khi đi, mặc các trang phục che chắn cho da (ưu tiên trang phục màu tối, khoảng cách giữa các sợi vải không lớn). Lưu ý, luôn sử dụng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên, cứ 2 tiếng ở ngoài trời nên thoa lại kem chống nắng một lần.
Không như bức xạ cực tím, bụi siêu mịn khó trốn tránh hơn vì chúng có thể tồn tại ở tất cả mọi ngóc ngách trong không khí, trong nhà lẫn các lỗ chân lông. Rửa mặt hay tắm rửa thông thường không thể làm sạch sâu vào các tế bào và mô. Vì vậy, nếu không sử dụng sản phẩm sữa tắm phù hợp, có khả năng đẩy sạch bụi bẩn khỏi lỗ chân lông, các hạt siêu bụi mịn sẽ bám chặt trên da bất chấp việc che chắn cẩn thận khi ra đường hay tắm rửa mỗi ngày.
Hoài Nhơn
https://vnexpress.net/suc-khoe/tac-nhan-gay-hai-cho-da-trong-mua-nang-3889439.html