Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Higashino Keigo từng nói: "Trên đời có hai thứ không thể nhìn thẳng, một là mặt trời, hai là lòng người." Đó chính là mặt tối nhất của con người.
Nhiều người nói, hiểu rõ bản chất một người giống như tiêm vắc xin phòng bệnh cho tâm hồn. Liều thuốc này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được ai đáng để kết giao và ai nên giữ khoảng cách.
Muốn nhìn rõ bản chất một người thì không cần trắc nghiệm hay đoán mò, chỉ cần nhìn vào ba yếu tố này.
1. Tiền, nhìn thấu được bản chất của lòng người
Trên mạng xã hội hỏi đáp Zhihu từng có một câu hỏi: "Làm thế nào để nhìn thấu được lòng người nhanh chóng?". Nhiều người cùng chung câu trả lời: "Chỉ cần liên quan về tiền bạc. Những người vay tiền trả đúng hạn là đáng tin cậy. Những người có thể cho bạn vay tiền mà không do dự xứng đáng là tình bạn sâu sắc".
Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Đôi khi thứ cho vay đi không phải là tiền, mà là sự tin tưởng và tình nghĩa. Lúc bạn ở đỉnh cao, người cho bạn vay tiền có thể rất nhiều, nhưng lúc bạn khó khăn, người tình nguyện cho vay lại chẳng được bao nhiêu. Vay tiền, có thể nhìn thấu ai mới là người bạn tốt thực sự, còn ai giả tình giả nghĩa.
Chu Chí Văn là người nổi tiếng nhất làng Châu Lâu, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông. Năm 2010, Chu tham gia cuộc thi "Tôi là ngôi sao" của đài truyền hình Sơn Đông và trở nên nổi tiếng nhờ chất giọng hiếm có. Tiếp đà đó, người đàn ông gần 40 tuổi bước lên sân khấu của chương trình "Đại lộ ngôi sao" của đài truyền hình quốc gia và nhanh chóng trở thành hiện tượng lạ. Cuộc thi này Chu đã giành huy chương vàng, dù xuất thân chỉ là công nhân cầu đường, không qua trường lớp thanh nhạc nào.
Sau cuộc thi, từ một công nhân kiếm được 15 tệ mỗi giờ (khoảng 40.000 đồng), Chu Chí Văn được săn đón tại các sân khấu lớn, trình bày các ca khúc ca ngợi tổ quốc với cát xê lên tới 100.000 tệ (330 triệu đồng) cho một buổi biểu diễn. Có những tháng, các show diễn của Chu được xếp kín lịch.
Trở về quê nhà trong vinh quang, Chu trở thành "báu vật" trong mắt dân làng Châu Lâu. Trước khi nổi tiếng, họ hàng hay người làng ít khi đến nhà Chu thăm hỏi. Nhưng khi thành danh, mọi người đến chơi tới tấp, tỏ tình làng xóm hữu hảo thân thiết. Mục đích của những người này đều như nhau, không phải đến chúc mừng sự thành công của Chu mà để nhận tiền từ anh: "Giàu có rồi phải báo đáp quê hương và làng xóm", họ nói với anh như vậy.
Chu Chí Văn vốn rất tốt bụng, giúp xây đường cho làng, sẵn sàng cho tiền những người đến xin với lý do "vợ ung thư sắp chết" hay "bố mẹ già không có thu nhập". Hoặc ai ngỏ ý vay tiền, anh cũng sẵn sàng móc túi. Số tiền cho vay đã lên tới khoảng 1 triệu tệ (3,3 tỷ đồng) nhưng Chu cũng biết chẳng thể nào lấy lại được.
Có vay có trả, vay lại không khó. Người nhân phẩm tốt sẽ trả nợ đúng hạn; người nhân phẩm không tốt sẽ luôn tìm cách trì hoãn, dây dưa không trả. Cũng có câu: "Hoạn nạn mới thấy chân tình". Khi bạn khó khăn, người sẵn sàng đứng ra giúp bạn, đó mới là bạn bè thực sự.
2. Thái độ khi tức giận
"Nhìn người đừng nhìn lúc họ được, hãy nhìn những lúc họ mất". Muốn nhìn nhận rõ một người thì phải xem lúc họ giận dữ, bởi vì nổi giận khiến con người bộc lộ bản tính, từ đó có thể nhìn nhận được sự tu dưỡng và nhân phẩm của họ.
Tiến sĩ Olison Madden, người sáng lập tạp chí "Thành công" nổi tiếng khắp nước Mỹ trong một cuốn sách từng viết: "Bất cứ khi nào, bạn cũng không nên làm nô lệ cho cảm xúc của mình, không nên bắt mọi hành động phải phụ thuộc vào cảm xúc, mà tự bản thân phải học cách kiềm chế cảm xúc".
Con người sống trên đời khó tránh khỏi hỉ nộ ái ố. Một người khi tức giận biểu hiện thế nào thì sẽ nhìn nhận ra nhân phẩm chân thực nhất của họ. Khi tức giận, con người thường mất khả năng lý trí và mất kiểm soát, không che giấu được mình.
Vui mừng có thể ngụy trang được, thiện lương cũng có thể ngụy trang được, nhưng nổi giận có thể thiêu hủy hết thảy lớp vỏ ngụy trang, sẽ hiển thị ra bản chất nằm ở sâu trong tâm.
Có người hễ tức giận liền bộc lộ ngay ra ngoài, không quan tâm đến tâm trạng người khác. Nhưng như thế chỉ khiến sự tình tệ hại hơn, mâu thuẫn càng khoét sâu thêm, quan hệ ngày càng xa cách. Người có tu dưỡng, nhân phẩm thực sự tốt khi tức giận vẫn giữ được lễ phép cơ bản, vẫn nói về công việc một cách có lý trí, đặc biệt không giận cá chém thớt.
Tức giận là bản năng, khắc chế được tức giận là bản lĩnh. Một người có cảm xúc ổn định thường có vẻ mặt ôn hòa khiến người khác dễ chịu, còn một người hơi chút là nổi giận thì ai gặp cũng chỉ muốn trốn tránh.
3. Thái độ với người lạ
Để xem tính cách và trình độ học vấn của một người, hãy xem cách họ đối xử với người lạ.
Một số người hiền lành nhưng lại rất thô lỗ khi nói chuyện với người lạ, bởi họ nghĩ rằng chỉ giao tiếp với người này một lần và không gặp lại nữa, vì vậy không cần phải giả vờ.
Một doanh nhân Nam Phi tên là Peter được mời đến thăm nhà của Tổng thống Nelson Mandela. Đích thân vị tổng thống khi đó 78 tuổi đã đứng ngoài cửa chào đón ông. Theo quy định của công ty, tài xế sẽ phải ở ngoài xe chờ chủ nhân. Vì vậy sau khi tài xế được Mandela mời uống nước, đã lặng lẽ trở lại xe chờ Peter.
Khi đến giờ ăn trưa, đầu bếp đã nhắc hai lần nhưng không thấy vị tổng thống động tĩnh gì, Peter cảm thấy rất khó hiểu. Mãi đến một giờ chiều, Mandela mới hỏi: "Peter, khi nào thì ngài mời tài xế vào dùng bữa". Thấy Peter còn ngỡ ngàng, Mandela đã đi tới bãi đậu xe, gõ vào cửa kính, cúi đầu nói với tài xế: "Xin lỗi, tôi muốn mời ông cùng dùng bữa với chúng tôi, được không?". Bữa trưa muộn này khiến cả Peter và người lái xe rất cảm kích.
Chỉ khi bạn thân thiện với người lạ, bạn mới có thể phản ánh chân thực tính cách của mình. Đối xử với người lạ bằng sự tôn trọng và tin tưởng cơ bản, cũng phản ánh bản chất của một con người. Còn với những người trong lòng không có "tình thương", không có sự tử tế giữa con người với nhau, có đáng để bạn kết giao, đáng để bạn bỏ tâm sức?
Vy Trang (Theo aboluowang)